Type 62

 31-08-2021 16:04



Nguồn: canhco.net
Nguồn: canhco.net

Những năm 1960, Quân đội Trung Quốc có nhu cầu cao về một mẫu xe tăng hạng nhẹ để sử dụng ở khu vực phía nam. Nơi đây, địa hình chủ yếu là đồng bằng, đường sá nhỏ, cầu cống yếu. Công ty máy móc xây dựng Cáp Nhĩ Tân (nhà máy 674) được giao nhiệm vụ chế tạo mẫu xe mới. Để đáp ứng yêu cầu từ phía quân đội, nhà máy 674 đã phát triển mẫu xe tăng mới dựa trên xe tăng chiến đấu chủ lực Type-59 nhưng có giáp mỏng, hệ thống điện tử đơn giản để giảm trọng lượng. Phương tiện chiến đấu mới của Trung Quốc được gọi là xe tăng Type 62. Cụ thể, độ dày mặt trước thân Type 62 chỉ 50 mm, hai bên tháp pháo khoảng 35 mm, phía sau và dưới đáy khoảng 15 mm.

Ngoài ra, nhà sản xuất sử dụng hệ thống điện tử nhỏ hơn. Chỉ huy, pháo thủ và lái xe được trang bị 3 khối kính tiềm vọng có thiết kế đơn giản. Khối quang học trung tâm ở vị trí chỉ huy có thể thay thế bằng kính tiềm vọng có khả năng quan sát trong điều kiện ánh sáng yếu, nhưng phạm vi chỉ 50 m. Type 62 được lắp pháo chính 85 mm, pháo có tầm bắn tối đa 12,2 km, nhưng tầm bắn hiệu quả chỉ 1,2 km, cơ số đạn mang theo 47 quả. 2 súng máy đồng trục 7,62 mm, 1 đại liên 12,7 mm ở nóc tháp pháo. Ê kíp vận hành 4 người. Xe được trang bị động cơ diesel 12150L V12, công suất 430 mã lực, tốc độ tối đa 60km/h, dự trữ hành trình 500 km. Type 62 có thể vượt chướng ngại vật cao 0,8 m, hào rộng 1,4 m, lội nước sâu 5 m với ống thông hơi.

Nhờ bọc giáp mỏng, trang thiết bị đơn giản nên Type 62 có trọng lượng chiến đấu chỉ 21 tấn. Điều này giúp giải quyết được vấn đề về hoạt động ở khu vực phía nam, nơi có địa hình nhiều đồng ruộng và cầu cống nhỏ. Nhưng nó lại nảy sinh những vấn đề chết người trong chiến đấu.

Nguồn: Military-today
Nguồn: Military-today

Xe tăng Type 62 được sản xuất từ năm 1963 đến 1989, gần 1.500 xe đã được xuất xưởng. Quân đội Trung Quốc nhanh chóng triển khai Type 62 ở các đơn vị đóng quân ở khu vực phía nam. Bên cạnh xe tăng chiến đấu chủ lực Type 59, quân đội Trung Quốc có thêm xe tăng hạng nhẹ Type 62. Tuy nhiên, mẫu xe tăng từng được xem là giải pháp “cách mạng” về hỏa lực cho quân đội Trung Quốc ở các khu vực rừng núi, địa hình yếu nhanh chóng phơi bày nhược điểm. Việc bọc giáp mỏng giúp xe cơ động hơn, nhưng cũng dễ bị tiêu diệt hơn.

Lớp giáp thép cán chỗ dày nhất 50 mm chỉ có thể bảo vệ xe trước các vũ khí cỗ nhỏ và mảnh pháo binh, nhưng hoàn toàn vô dụng trước vũ khí chống tăng cá nhân. Type 62 dễ dàng bị tiêu diệt bởi súng phóng lựu chống tăng RPG-7 ngay cả khi đánh trực diện từ phía trước. Nhược điểm giáp mỏng của Type 62 đã bộc lộ rõ rệt trong Chiến tranh biên giới Việt-Trung năm 1979. Gần một nửa trong tổng số 200 xe tăng Type 62 tham chiến bị bộ đội Việt Nam tiêu diệt đã cho thấy điều đó. Ý đồ sử dụng Type 62 làm mũi nhọn đột kích như xe tăng chiến đấu chủ lực hoàn toàn phá sản. Ngoài nhược điểm giáp mỏng, Type 62 có hiệu suất chiến đấu rất kém. Do thiết kế hệ thống điện tử đơn giản để giảm trọng lượng nên khả năng xác định và nhắm mục tiêu của xe khá yếu. Pháo 85 mm thiếu hệ thống ổn định khi bắn nên độ chính xác không cao. Type 62 không thể tác chiến vào ban đêm do thiếu khí tài quan sát.

Sau khi chứng kiến Type 62 bị đánh tơi tả trong Chiến tranh biên giới phía bắc, Trung Quốc vội vã tiến hành nâng cấp Type 62. Gói nâng cấp đầu tiên được tiến hành ngay sau chiến tranh là Type 62-I. Người ta bổ sung thêm một hệ thống quan sát mục tiêu laser ngay trên pháo chính ở vị trí tiếp giáp với tháp pháo. Hệ thống này cho phép Type 62 bắn chính xác hơn, nhưng vẫn kém các mẫu xe tăng cùng thời do thiếu hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại. Vị trí lắp đại liên 12,7 mm được bổ sung thêm tấm chắn để bảo vệ người bắn. Tổng cộng có đến 33 giải pháp cải tiến được áp dụng cho Type 62-I, nhưng điều đó vẫn không giúp mẫu xe tăng hạng nhẹ này có thể sánh ngang các thiết kế cùng loại của Nga hay phương Tây. Mẫu cải tiến gần đây nhất là Type 62G.

Phiên bản mới thay thế tháp pháo cũ hình tròn bằng tháp pháo hàn dạng phẳng. Thay pháo 85 mm bằng pháo 105 mm với hệ thống ổn định dọc. Type 62G được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại, thiết bị nhìn đêm. Type 62G được bổ sung thêm giáp phản ứng nổ xung quanh tháp pháo, trang bị thêm 2 hệ thống phóng lựu đạn khói bên hông tháp pháo. Bổ sung thêm váy bảo vệ hông. Nhìn chung Type 62G đã khắc phục được các nhược điểm vốn có trên Type 62. Tuy vậy, quân đội Trung Quốc đã loại biên mẫu xe này vào năm 2013 để nhường chỗ cho các thiết kế khác hiện đại hơn.

Nguồn:
https://canhco.net/vi-sao-xe-tang-type-62-trung-quoc-tham-bai-trong-chien-tranh-p123343.html
https://kienthuc.net.vn/quan-su/vu-khi-made-in-china-noi-bat-trong-bien-che-quan-doi-myanmar-1439741.html