Tận dụng cuộc cách mạng kỹ thuật số trong lĩnh vực quân sự

 04-06-2024 10:35

Nếu sự xuất hiện của những sản phẩm đầu tiên liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) gây chú ý tới công chúng, thì đây cũng là cuộc cách mạng sâu sắc đang diễn ra trong lĩnh vực quân sự với sự bùng nổ về tính toán công suất, tốc độ kết nối và các chức năng ứng dụng mới


Trong 3 thập kỷ qua, vũ khí và hệ thống chỉ huy được thiết kế, chế tạo xung quanh “mạng”-cái mà người Mỹ gọi là “Chiến tranh lấy mạng làm trung tâm” (Network-centric warfare). Đây là khái niệm tác chiến, trong đó tất cả các đối tượng tham gia chiến đấu (bộ chỉ huy, binh khí kỹ thuật, sinh lực) được hợp nhất vào một mạng thông tin thống nhất. Cách tiếp cận đó cho phép nâng cao tính đồng bộ hóa các đơn vị, cũng như tốc độ chỉ huy.

Kỹ thuật số đã tạo ra cuộc cách mạng sâu sắc trong lĩnh vực quân sự. Ảnh: hbrfrance.fr
Kỹ thuật số đã tạo ra cuộc cách mạng sâu sắc trong lĩnh vực quân sự. Ảnh: hbrfrance.fr

“Chiến tranh lấy mạng làm trung tâm” xuất hiện lần đầu tiên trên chiến trường là vào Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991. Khái niệm này đã tận dụng những tiến bộ đạt được trong lĩnh vực viễn thông, đặc biệt là không gian; trong việc tiêu chuẩn hóa thông tin và các công cụ định vị chính xác như GPS. Nhờ những công nghệ này, công nghệ không gian hỗ trợ hỏa lực đã tăng tốc đáng kể, khiến việc xử lý các mục tiêu mới nổi mà vệ tinh phát hiện được chỉ diễn ra trong vài phút.

Đồng thời, sức mạnh và sự thu nhỏ của máy tính đã dẫn đến việc tự động hóa một phần nhiệm vụ của người vận hành. Điều này có tác dụng làm giảm số lượng phi hành đoàn trên máy bay, thủy thủ đoàn trên tàu chiến hay lực lượng nhân sự ở các sở chỉ huy chiến thuật. Tàu khu trục Languedoc của Pháp đã chiến đấu với máy bay không người lái của lực lượng Houthi ở Biển Đỏ vào ngày 9-12-2023. Trên tàu có thủy thủ đoàn gồm 110 người, nơi mà 30 năm trước, một con tàu tương tự tiếp nhận 250 thủy thủ. Ngược lại, đội ngũ nhân viên xử lý lượng thông tin ngày càng tăng. Một nghiên cứu chỉ ra rằng, từ năm 1918 đến 2003, quân đội Anh đã tăng số lượng sĩ quan trong biên chế lữ đoàn lên 25 lần.

Thực tế trên đang phải đối mặt với một cuộc cách mạng mới, đó là dữ liệu. Trước hết, dữ liệu là “trái tim”, “kiến trúc chính” của hệ thống, có khả năng tổ chức, phân bổ, đề xuất và giám sát. Hai là, những tiến bộ trong vi điện tử hiện nay cho phép xây dựng mạng lưới cảm biến hoặc bộ phận tác động trên quy mô rất lớn, do đó hình thành mạng lưới giám sát, có khả năng bao phủ các khu vực rộng lớn. Ở mặt trận Ukraine, khoảng 100.000 máy bay không người lái được vận hành dọc theo 1.000km chiến tuyến, do đó thực hiện giám sát thường xuyên và liên tục các hoạt động di chuyển. Quan sát này là trọng tâm của “cuộc chiến tranh du kích” sử dụng vũ khí điều khiển từ xa, hiện đang diễn ra ở vùng Donbass. Ba là, sự xuất hiện của AI đã có tác động lớn, góp phần thích ứng rất nhanh về chiến thuật cũng như thiết bị chiến trường. Ở Ukraine, phần mềm máy bay không người lái được cập nhật 6 tuần một lần để thích ứng với chiến thuật của đối phương. AI có thể hỗ trợ con người đưa ra quyết định nhanh chóng bằng cách cung cấp cho họ phương tiện để xử lý khối lượng dữ liệu đáng kể do mạng lưới phát ra.

Cuộc cách mạng kỹ thuật số liên quan đến sự chuyển đổi sâu sắc trong cách con người vận hành. Đó là không có sự gián đoạn. Tính liên tục chưa từng có được thiết lập giữa các dữ liệu về thông tin tình báo, bảo trì, nhân sự hay vận hành..., tạo thành “chuỗi cung ứng” của quân đội.

Trong vũ trụ công nghệ phần lớn bị thống trị bởi những gã khổng lồ Mỹ, nơi có ngân sách nghiên cứu hằng năm cao hơn châu Âu 10 lần, điều cần thiết là quân đội phải đặt ra mục tiêu rõ ràng và có khả thi. Đó là làm chủ dữ liệu, lựa chọn công nghệ, xây dựng khả năng phục hồi và nắm vững các quy trình mã hóa. Ngoài những kỹ thuật, trên hết đó là “cuộc cách mạng văn hóa” phải thành công. Mọi người phải hiểu tiềm năng mà các tài nguyên kỹ thuật số mới mang lại để cải thiện hiệu suất. Điều này đòi hỏi nhận thức của cả tập thể và nỗ lực đào tạo lớn nguồn nhân lực.


Theo Quân đội nhân dân