Hà Lan cho phép Ukraine dùng F-16 tập kích lãnh thổ Nga

 04-06-2024 10:31

Quan chức Hà Lan cho biết Ukraine có thể sử dụng 24 tiêm kích F-16 nước này sắp chuyển giao để tấn công lãnh thổ Nga


"Chúng tôi sẽ áp dụng nguyên tắc giống như từng áp đặt với những lần chuyển giao khí tài khác. Một khi vũ khí đến tay Ukraine, họ có thể sử dụng chúng tùy ý", Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Kajsa Ollongren trả lời bên lề Đối thoại Shangri-La tại Singapore, trong cuộc phỏng vấn được công bố ngày 3/6.

"Chúng tôi chỉ yêu cầu Ukraine tuân thủ luật pháp quốc tế và quyền tự vệ quy định trong Hiến chương Liên Hợp Quốc, đồng nghĩa họ chỉ được nhắm vào các mục tiêu quân sự với mục đích tự vệ", quan chức này nói thêm.

Tuyên bố của Bộ trưởng Ollongren cho thấy khác biệt trong lập trường giữa Hà Lan và Bỉ. Trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 28/5, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo nhấn mạnh Brussels chỉ cho phép Kiev sử dụng tiêm kích F-16 do nước này cung cấp "trong phạm vi lãnh thổ Ukraine", khi được hỏi liệu chính quyền ông Zelensky có thể dùng mẫu phi cơ này để hạ máy bay của Moskva trên lãnh thổ Nga hay không.

Tiêm kích F-16 Hà Lan bay tại triển lãm hàng không ở Anh năm 2014. Ảnh: Wikimedia
Tiêm kích F-16 Hà Lan bay tại triển lãm hàng không ở Anh năm 2014. Ảnh: Wikimedia

Bỉ đã cam kết chuyển giao 30 chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine, trong khi Hà Lan sẽ cung cấp 24 chiếc. Đan Mạch và Na Uy cũng tuyên bố sẽ viện trợ cho Ukraine lần lượt 19 và 12 tiêm kích F-16. Copenhagen và Oslo chưa cho biết có cấm Kiev sử dụng máy bay F-16 do các nước này viện trợ để tấn công mục tiêu tại Nga hay không.

Vấn đề này là chủ đề nóng trong thời gian qua. Một loạt quốc gia, trong đó có Mỹ, gần đây đã đổi ý và cho phép Ukraine dùng vũ khí phương Tây tấn công mục tiêu trong lãnh thổ Nga, dù với mức độ khác nhau.

Các nước có lập trường mạnh mẽ như Ba Lan hay những quốc gia vùng Baltic nói Ukraine có thể sử dụng đạn do họ chuyển giao để tập kích bất kỳ mục tiêu nào mà Kiev muốn, trong khi Mỹ chỉ chấp thuận cho Ukraine nhắm mục tiêu gần biên giới với tỉnh Kharkov, nơi Nga vừa mở mặt trận mới, đồng thời không được dùng tên lửa ATACMS và các vũ khí tầm xa khác.

Andrey Kartapolov, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia (tức Hạ viện Nga), cảnh báo Moskva sẽ triển khai các biện pháp "bất đối xứng" để đáp trả quyết định của Mỹ. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết lãnh đạo chính phủ và quân đội Nga "đang thảo luận các biện pháp đối phó phù hợp".

Tiêm kích đa năng F-16 do General Dynamics phát triển từ những năm 1970, được Mỹ và các đồng minh sử dụng, có giá khoảng 30-35 triệu USD mỗi chiếc tùy biến thể. F-16 có thể đạt tốc độ tối đa 2.121 km/h ở độ cao 12.000 m, trần bay tối đa 18.000 m và tầm hoạt động 546 km. F-16 được trang bị một pháo 6 nòng 20 mm, 11 giá treo có thể mang theo 7,7 tấn vũ khí.

Giới chức Ukraine kỳ vọng F-16 có thể giúp thay đổi cục diện chiến trường, song một số chuyên gia nhận định Kiev có thể đang phạm sai lầm khi trông chờ vào mẫu tiêm kích của Mỹ, do chúng sẽ được chuyển giao quá muộn và phần lớn phi công Ukraine vẫn còn xa lạ với khí tài này.


Theo Vnexpress