Tên lửa Patriot khó giải quyết bài toán phòng không cho Ukraine

 30-05-2024 10:18

Lưới phòng không Ukraine trở nên chắp vá và đầy lỗ hổng trước mối đe dọa từ Nga, khiến vài khẩu đội Patriot của Mỹ khó cải thiện tình hình


Tình hình phòng không của Ukraine ngày càng trở nên tồi tệ, khiến Tổng thống Volodymyr Zelensky gần đây nhiều lần đề nghị phương Tây chuyển thêm các khẩu đội tên lửa Patriot.

Tuy nhiên, vấn đề của phòng không Ukraine không nằm ở nguồn lực, ít nhất là trong ngắn hạn, mà là họ phải đối mặt với số lượng mối đe dọa trên không lớn tới mức không thể đối phó.

Phòng không Ukraine từ trước đã gặp vấn đề bất cân xứng về số lượng, điều mà một vài khẩu đội Patriot bổ sung không thể giải quyết. Ukraine chỉ sở hữu ba khẩu đội Patriot, trong đó một khẩu đội mất hai bệ phóng gần tiền tuyến do bị Nga tập kích khi di chuyển.

Theo tính toán của chính Tổng thống Zelensky, lưới phòng không chắp vá của Ukraine với các hệ thống từ thời Liên Xô, hàng viện trợ của Mỹ, NATO và sản phẩm nội địa chỉ đáp ứng được 25% yêu cầu tác chiến.

Bệ phóng Patriot tham gia diễn tập tại Ba Lan tháng 2/2023. Ảnh: Reuters
Bệ phóng Patriot tham gia diễn tập tại Ba Lan tháng 2/2023. Ảnh: Reuters

Ông Zelensky nói phòng không Ukraine cần đến 25 khẩu đội Patriot để bao phủ không phận trên toàn lãnh thổ. Con số này cao gấp 8 lần những gì Ukraine đang có và nhiều hơn hai lần sản lượng hàng năm mà Raytheon, hãng sản xuất tên lửa Patriot của Mỹ, có thể đạt được.

Khi Nga không ngừng tiến hành các cuộc không kích, lưới phòng không Ukraine sẽ ngày càng dễ tổn thương, trong khi những tổ hợp Patriot được triển khai lại có thể trở thành gánh nặng với Kiev, theo Geoff LaMear, chuyên gia tại tổ chức tư vấn Defense Priorities, trụ sở ở Washington, Mỹ.

Nga đang lợi dụng điểm yếu của phòng không Ukraine để tăng cường hoạt động trinh sát đường không nhằm phát hiện và phá hủy các mục tiêu chiến lược xa tiền tuyến, như hệ thống phòng không đắt tiền và nhà máy điện.

Trước tình trạng này, hệ thống Patriot tỷ USD càng dễ bị tổn thương do chúng thiếu các tổ hợp nhiều tầng để bảo vệ. Khi hoạt động đơn độc, Patriot trở thành mục tiêu dễ dàng cho máy bay không người lái (UAV) có thể bay thấp và ngày càng tinh vi của Nga.

Do thiếu về số lượng, phòng không Ukraine cũng đối mặt với hạn chế về tầm bao phủ lẫn chiều sâu. Patriot chỉ có thể bảo vệ phòng tuyến hoặc hạ tầng ở hậu phương của Ukraine, không thể làm cùng lúc hai việc. Kể cả nếu thực hiện được, các khẩu đội Patriot của Ukraine khó lòng duy trì lâu điều này.

Tổng thống Zelensky từng thừa nhận Ukraine cạn tên lửa để đối phó với đòn tập kích của Nga nhằm vào nhà máy điện. Ukraine gần đây nhận thêm một số đạn tên lửa Patriot, nhưng điều này chỉ trì hoãn chứ không thay đổi được thực tế nghiệt ngã trên chiến trường, theo LaMear.

Ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ không thể sản xuất lượng lớn đạn tên lửa đắt tiền. Trong khi đó, Nga có thể liên tục chế tạo UAV Geran-2, tên lửa Iskander và Kinzhal và biến bom thường thành bom lượn.

Số lượng hệ thống Patriot không phải yếu tố hạn chế khả năng bảo vệ nhà máy điện và hạ tầng trọng yếu của Ukraine, mà là việc họ có bao nhiêu đạn tên lửa. Vấn đề này đã xuất hiện trong loạt trận tập kích gần đây của Nga và khó có thể khắc phục trong thời gian ngắn.

Phòng không Ukraine có thể đã lập danh sách mục tiêu chiến lược cần ưu tiên bảo vệ bằng tên lửa Patriot, trong đó không có các khu dân cư. Để bảo vệ chúng, Ukraine cần kết hợp giữa các tổ hợp phòng không tầm thấp hơn, hệ thống tác chiến điện tử và những biện pháp thụ động như hầm trú ẩn và còi báo động không kích.

Viện trợ từ châu Âu cũng sẽ không khắc phục được lỗ hổng của phòng không Ukraine. Đức đang chuyển thêm tổ hợp radar TRML-4D để phát hiện mục tiêu bay thấp cùng hệ thống Skynex để chặn UAV, với tính năng riêng mà hệ thống IRIS-T và Patriot không có. Dù hữu ích, gói viện trợ này không có quy mô đủ lớn để thật sự giảm bớt tình thế bị đối phương áp đảo mà phòng không Ukraine gặp phải.

Trong khi đó, Mỹ không đủ năng lực vật chất để khắc phục vấn đề liên quan tới lượng đạn tên lửa Patriot của Ukraine trong thời gian ngắn sắp tới. Khoản ngân sách quốc phòng năm tài khóa 2024 của Mỹ có gần 30 tỷ USD chi cho phòng không, trong đó dành một phần để khắc phục điều này. Số tiền tương tự đã nằm trong đề xuất ngân sách trong năm tài khóa 2025.

Tuy nhiên, khởi động dây chuyền lắp ráp và tăng năng suất chế tạo đạn tên lửa không đơn giản như bật công tắc điện. Ngành công nghiệp phòng không của Mỹ nhiều năm rơi vào trì trệ do Washington chủ yếu đối đầu với các nhóm vũ trang không có khả năng tác chiến đường không ở Trung Đông. Mỹ sẽ phải mất nhiều năm để xoay chuyển tình thế.

"Ukraine từng yêu cầu xe tăng M1 Abrams và nhận ra chúng không thể sống sót trên chiến trường. Điều tương tự xảy ra với Patriot, tổ hợp phòng không này không phải phương thuốc hoàn hảo cho lưới phòng không Ukraine", chuyên gia LaMear nhận định.

Bệ phóng Patriot tại Litva tháng 7/2023. Ảnh: Reuters
Bệ phóng Patriot tại Litva tháng 7/2023. Ảnh: Reuters

LaMear cho rằng Mỹ không thể thay đổi được kết quả xung đột Nga - Ukraine chỉ bằng viện trợ quân sự, cũng như không thể trực tiếp can thiệp vào cuộc chiến, do lo ngại nguy cơ nổ ra đụng độ trực tiếp với Nga.

"Thay vào đó, Mỹ nên tận dụng sức mạnh ngoại giao để thúc đẩy lệnh ngừng bắn hoặc ít nhất khởi động nền tảng để đưa Nga và Ukraine tới bàn đàm phán. Không có gì thay thế được điều này", LaMear nói.

Ngoài tình trạng ngày càng tồi tệ của phòng không, Ukraine đang bị Nga áp đảo về pháo binh khi đối phương khai hỏa lượng đạn gần 5-10 lần họ. Quân đội Ukraine thiếu nhân lực nghiêm trọng, trong khi Nga giành được ưu thế cục bộ tại tỉnh Kharkov và buộc đối phương phải dàn mỏng lực lượng vốn đã hạn chế.

"Ukraine lúc này có thể đang ở vị trí tốt nhất để đàm phán, mỗi ngày trôi qua sẽ làm xói mòn sức mạnh và khả năng thương lượng của nước này. Nếu Mỹ muốn làm những gì tốt nhất cho Ukraine, họ không nên khuyến khích nước này bước vào con đường hủy diệt", LaMear kết luận.

Tuy nhiên, Ukraine tuyên bố họ sẽ chiến đấu đến cùng và đề nghị các đồng minh phương Tây tiếp tục viện trợ quân sự cho tới khi giành được thắng lợi trên chiến trường. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba từng cho rằng lời kêu gọi đàm phán với Nga là "thiếu hiểu biết hoặc đang bị lừa dối".

"Hoặc là họ đứng về phía Nga và muốn Tổng thống Vladimir Putin tạm dừng trước khi tiến hành một cuộc tấn công thậm chí lớn hơn", ông Kuleba nói.


Theo Vnexpress