Su-30MK2

 25-08-2021 14:40

Máy bay chiến đấu Su-30MK2V là một phiên bản của máy bay Su-30 (tên ký hiệu của NATO: "Flanker-C") thuộc dòng Su-30 Đông Á do Thành phố Thanh niên cộng sản bên sông Amur KnAAPO một công ty con thuộc tập đoàn Sukhoi của Nga chế tạo sản xuất.


Nguồn: CAND
Nguồn: CAND

Máy bay chiến đấu Su-30MK2V là một phiên bản của máy bay Su-30 (tên ký hiệu của NATO: "Flanker-C") thuộc dòng Su-30 Đông Á do Thành phố Thanh niên cộng sản bên sông Amur KnAAPO một công ty con thuộc tập đoàn Sukhoi của Nga chế tạo sản xuất. Trong đó có 3 nước hiện sử dụng dòng Su-30 MK2 là Việt Nam, Indonesia, Venezuela. Có thể nói loại máy bay tiêm kích này đã trở thành lực lượng không quân nòng cốt tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, ngăn ngừa xung đột và thúc đẩy hợp tác ngoại giao quân sự của nhiều quốc gia và giữa nhóm quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam.

Về tổng quan SU-30 MK2 là một hệ thống vũ khí tiến công xung kích đường không nhiều mục đích, được phát triển trên cơ sở các biến thể của máy bay tiêm kích Su-27, gồm các tổ hợp vũ khí có điều khiển chính xác và khí tài chiến đấu nhiều tính năng dùng để thực hiện nhiều loại hình nhiệm vụ chiến đấu khác nhau của lực lượng không quân chiến thuật. Su-30 MK2 trang bị Radar 1 trong số các loại radar xung Doppler sau: N001VE, Phazotron N010 Zhuk-27, N011M BARS (radar quét mảng pha điện tử bị động). N011M BARS có khả năng phát hiện và theo dõi mục tiêu mạnh, lên đến 15 mục tiêu trên không, trong khi có thể đồng thời tấn công 4 mục tiêu trong số đó. Radar N011M BARS có thể dò tìm các mục tiêu lớn trên biển trong khoảng cách lên đến 400 km (248.5 mi), máy bay ném bom cỡ lớn ở cự ly 200 km và các mục tiêu là tiêm kích cỡ nhỏ trong khoảng cách 120 km (74.5 mi). Khả năng này vượt trên radar APG-63V(1) trang bị cho F-15C/D Eagle của Mỹ (tầm phát hiện mục tiêu trên không là 110–160 km tùy kích thước mục tiêu, theo dõi 14 mục tiêu và đồng thời tấn công 4 mục tiêu trong số đó).

Nguồn: CAND
Nguồn: CAND

Hệ thống điện tử khác bao gồm một hệ thống ngắm bắn và dẫn đường tích hợp, với một hệ thống dẫn đường con quay laser; hệ thống hiển thị trên mũ phi công, màn hình hiển thị trước buồng lái HUD, màn hình LCD hiển thị đa chức năng với khả năng hiển thị trộn lẫn hình ảnh; và một hệ thống GPS (tương thích GLONASS/NAVSTAR). Nga trang bị hệ thống bệ đỡ radar linh hoạt cho các máy bay chiến đấu Su-30 khiến nó có góc quét rộng vượt trội so với các đối thủ sử dụng cùng thế hệ radar tương tự của phương Tây. Hệ thống dò tìm tia hồng ngoại và laser để tìm kiếm và điều khiển vũ khí tấn công các mục tiêu kích thước nhỏ. Hệ thống này rất hữu dụng trong việc đối phó với các mục tiêu mà radar khó phát hiện như máy bay tàng hình (máy bay tàng hình được thiết kế để có mức độ bộc lộ trước radar rất thấp, nhưng mức độ phát ra tia hồng ngoại thì vẫn tương tự như máy bay thường do đều phải sử dụng động cơ phản lực tỏa ra nhiều nhiệt).

Máy bay được cung cấp phương tiện chống gây nhiễu điện tử ECCM và đối phó với các thiết bị điện tử quang học của đối phương. Động cơ của máy bay là 2 động cơ phản lực cánh quạt tỷ lệ vòng thấp Saturn AL-31FP. Cung cấp lực đẩy sau khi đốt nhiên liệu lần 2 là 245 kN (25.000 kgf), đạt vận tốc Mach 2, nó có tốc độ 1.350 km/h tại độ cao thấp, và vận tốc leo cao là 230 m/s. Nó có thể mang thông thường 5.270 kg nhiên liệu trong các thùng chứa (không tính nhiên liệu trong các thùng chứa phụ), Su-30MK có khả năng thực hiện liên tục nhiệm vụ trong 4.5 giờ trong phạm vi 3.000 km. Trong khi bay, nếu được tiếp nhiên liệu trên không thì nó có thể duy trì 10 giờ bay nhiệm vụ với tầm bay là 8.000 km trên độ cao hành trình từ 11 đến 13 km.

Máy bay có chế độ lái tự động trong mọi giai đoạn bay, gồm bay thấp trong mọi địa hình, bay riêng và theo nhóm chống lại mục tiêu trên không - mặt đất - trên biển. Hệ thống điều khiển tự động được kết nối với hệ thống dẫn đường để đảm bảo máy bay bay đúng đường, tự động tiếp cận địch, tìm được đường về căn cứ và hạ cánh tự động. Không giống như dòng máy bay Su-30 Nam Á với đại diện tiêu biểu là loại Su-30 MKI của Ấn Độ hay Su-30 MKM của Malaysia, loại Su-30 MK2 không có cánh canard - cánh mũi vốn được dùng cho các máy bay được ưu tiên nhiệm vụ không chiến. Thuộc dòng SU-30 Đông Á, Su-30MK2 này không chú trọng tính năng cơ động siêu linh hoạt trong cận chiến như nhóm Su-30 của Ấn Độ hay Malaysia, nhưng bù lại ở khả năng mang trữ nhiên liệu bay đường dài và được trang bị khí tài thông tin liên lạc và tiếp chuyển tình báo tầm xa.

Những chiếc Su-30MK2V của Không quân nhân dân Việt Nam là một phiên bản đặc biệt với những cải tiến phụ cho phù hợp với nhu cầu tác chiến trên biển nhiệt đới và hệ thống điện tử nội địa của không quân Nga không dành cho bản xuất khẩu. Máy bay có thể mang các loại tên lửa chống radar Kh-31P, tên lửa dẫn đường bằng laser Kh-39, Kh-29 T/L, tên lửa không đối không R-27, R-73, RRVE, bom có điều khiển KAB 500KR, KAB-1500KR, FAB-500T với tổng khối lượng tới 8 tấn (một số nguồn cho biết con số này có thể lên tới 12 tấn nếu một số bộ phận máy bay được làm bằng composite)

Nguồn:
https://cand.com.vn/Vu-khi-Chien-tranh/May-bay-Su-30MK2-hien-dai-nhu-the-nao-i393693/