JF-17 Thunder

 01-09-2021 13:58



Nguồn: Sina
Nguồn: Sina

Myanmar là quốc gia đầu tiên mua chiến đấu cơ JF-17 Thunder do Trung Quốc và Pakistan phát triển. Hiện nước này đã đặt mua 16 JF-17 Thunder trị giá khoảng 250 triệu USD và bắt đầu nhận chúng vào biên chế. JF-17 hay còn gọi Fighter China-1 (FC-1) Kiêu Long ở Trung Quốc, là tiêm kích đa năng một chỗ ngồi, được thiết kế như một máy bay có chi phí thấp mà vẫn đáp ứng được nhu cầu chiến thuật và chiến lược. Máy bay dài 14,9m, cao 4,77m. Trọng lượng rỗng là 6,3 tấn, trọng lượng cất cánh tối đa là 12,7 tấn. Máy bay được trang bị động cơ RD-93 có lực đẩy trung bình 49,4 kN. Khi đốt nhiên liệu lần 2, lực đẩy có thể lên tới 85,3 kN. Nhờ vậy tốc độ tối đa JF-17 có thể đạt được là Mach 1,6 (tương đương 1.960 km/giờ). Ngoài ra, JF-17 được trang bị thùng chứa nhiên liệu 2,3 tấn, giúp máy bay có tầm hoạt động lên tới 1.350km. Mẫu tiêm kích mới của không quân Myanmar được lắp radar KLJ-7 nặng khoảng 120kg do Trung Quốc sản xuất, có phạm vi quét lên tới hơn 105km, đồng thời có thể theo dõi cùng lúc 10 mục tiêu. JF-17 được trang bị nhiều loại vũ khí có nguồn gốc khác nhau, từ tên lửa PL-5 do Trung Quốc sản xuất, cho tới bom dẫn đường bằng laser GBU-10 của Mỹ. Ngoài ra, máy bay còn có pháo 2 nòng Gsh-23 của Nga với tốc độ bắn tới 4.000 phát/ phút. Ngoài Myanmar, không quân Pakistan cũng mới đưa vào trang bị hơn 100 chiếc JF-17.

Nguồn: Sina
Nguồn: Sina

Với đơn giá vào năm 2019 khoảng 25 triệu USD, tức rẻ hơn cả xe tăng AMX 56 của Pháp có giá 27,5 triệu USD, chiến đấu cơ JF-17 Thunder do Trung Quốc và Pakistan phát triển đang được đánh giá là dòng chiến đấu cơ mới rẻ nhất thế giới. Myanmar ký hợp đồng đặt mua 16 chiếc JF-17 Thunder của Trung Quốc từ năm 2015. Tuy nhiên, điều bất ngờ là thay vì phải trả 25 triệu USD/chiếc thì Myanmar lại chỉ phải trả 16 triệu USD/chiếc. Với giá này, chiến đấu cơ JF-17 chỉ nhỉnh hơn 1/2 giá của xe tăng Pháp, một cái giá không thể rẻ hơn cho một chiến đấu cơ mới sản xuất. Như vậy tổng giá trị hợp đồng cho 16 chiến đấu cơ này chỉ rơi vào khoảng hơn 250 triệu USD. Số tiền này chỉ đủ mua 3 chiếc F-16 Block 70/72 hoặc 3 chiếc Su-30SM. Giới quan sát nhận định có thể nhằm kích cầu cho dòng máy bay này, Trung Quốc đã đồng ý với mức giá không thể rẻ hơn nhằm quảng bá hình ảnh của JF-17 trên thị trường xuất khẩu. Tuy được quảng bá với nhiều tính năng vượt trội và có giá bán rẻ đến bất ngờ, nhưng cho tới nay vẫn ngoài Pakistan là nước cùng phát triển thì Myanmar là quốc gia duy nhất đặt mua chiến đấu cơ này. Dù Bắc Kinh nhiều lần đánh tiếng cho rằng có hàng chục khách hàng tỏ ý quan tâm và chuẩn bị mua JF-17, tuy vậy cho đến nay vẫn chưa lộ diện khách hàng mới. Được biết, phiên bản chiến đấu cơ JF-17 mà Myanmar đặt mua của Trung Quốc được gọi là JF-17 Block II. Phiên bản này được ra đời từ năm 2013, bắt đầu được thử nghiệm từ năm 2015. So với Block I, phiên bản Block II có thêm khả năng tiếp liệu trên không, kiểu dáng khí động học được cải thiện, hệ thống tác chiến điện tử được tăng cường. Hiện Bắc Kinh và Pakistan đều ra sức PR cho dòng chiến đấu cơ này nhằm hy vọng chúng sẽ được chú ý hơn trên thị trường xuất khẩu.

Nguồn:
https://kienthuc.net.vn/quan-su/trung-quoc-ban-tiem-kich-jf-17-thunder-cho-myanmar-voi-gia-re-khong-tuong-1319021.html#p-2
https://soha.vn/bat-ngo-truoc-suc-manh-dang-gom-cua-quan-doi-myanmar-diem-mat-nhung-vu-khi-hien-dai-nhat-20210304114519767.htm
https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/quan-su/ho-so-may-bay-khong-quan-myanmar-moi-trang-bi-495691.html