H225M

 27-08-2021 14:12

Trực thăng vận tải chiến thuật tầm xa


Nguồn: airforce-technology.com
Nguồn: airforce-technology.com

Trực thăng H225M của Tập đoàn Airbus (hay còn gọi là Eurocopter EC725 Caracal) là máy bay trực thăng vận tải chiến thuật tầm xa hai động cơ, được phát triển từ Eurocopter AS532 Cougar. Khởi đầu, EC725 được phát triển để đáp ứng yêu cầu của Không quân Pháp về một máy bay trực thăng chuyên dụng cho các hoạt động chiến đấu, tìm kiếm và cứu nạn, được đặt tên là Cougar Mk II+. Dựa trên Eurocopter AS 532 Cougar, EC725 được cải tiến về thiết kế với cánh quạt chính năm cánh kết hợp hình dạng cánh gió mới để giảm độ rung. Ngày 27/11/2000, nguyên mẫu EC725 đã thực hiện chuyến bay đầu tiên tại Marignane. Không quân Pháp sau đó đã đặt hàng sáu chiếc EC725, chiếc đầu tiên trong số này được giao vào tháng 2/2005. Một đơn đặt hàng tiếp theo gồm tám chiếc EC725 khác đã được đặt cho Không quân Pháp vào tháng 11/2002; tổng cộng các Lực lượng vũ trang Pháp Pháp sẽ cần 20 chiếc EC725.

Trực thăng này được trang bị vỏ giáp có thể tháo rời và sử dụng hai động cơ Turbomeca Makila 1A4, có hệ thống điều khiển động cơ kỹ thuật số kênh đôi (FADEC). Được trang bị hệ thống chống đóng băng, EC725 có thể hoạt động trong điều kiện khí hậu rất lạnh. Những cải tiến khác bao gồm hộp số rôto chính được gia cố và buồng lái hoàn toàn bằng kính được trang bị hệ thống hiển thị tích hợp có bản đồ kỹ thuật số và màn hình tinh thể lỏng. Năm 2015, EC725 được tái định danh là H225M. Eurocopter đã phát triển bốn cấu hình cabin nguyên bản cho H225M. Phiên bản vận chuyển quân có bố trí chỗ ngồi cho tối đa 29 binh lính (hoặc 5.670 kg), ngoài kíp bay 2 thành viên. Phiên bản vận chuyển dành riêng cho VIP được thiết kế để chứa từ 8 đến 12 hành khách. Phiên bản sơ tán có thể chở tới 12 băng-ca cùng với tổng cộng bốn nhân viên y tế ngồi.

Nguồn: wikipedia.org
Nguồn: wikipedia.org

Cấu hình Combat SAR được trang bị đầy đủ để thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm và cứu nạn trong điều kiện chiến đấu. Phiên bản vũ trang được gắn bệ súng, bệ tên lửa và tên lửa không đối đất Hellfire (Hệ thống vũ khí chung HForce (GWS) với màn hình ngắm gắn trên mũ phi công Thales Scorpion (HMSD) và cảm biến điện quang Wescam). H225M có thể được trang bị nhiều thiết bị quân sự và vũ khí khác nhau, như một cặp súng máy FN MAG 7,62 mm gắn trong cửa bên trái và bên phải phía trước, hoặc một cặp bệ phóng tên lửa 68 mm Thales Brandt hoặc Forges de Zeebrugge gắn bên hông, mỗi bệ có 19 quả, hoặc ngư lôi MU90 Impact phóng từ trên không. H225M dài 19,5 m, cao 4,6 m, trọng lượng rỗng 5.330 kg, trọng lượng tổng thể 11.000 kg, có tốc độ tối đa 324 km/h, tốc độ hành quân 262 km/h, trần bay 6.095 m. Theo Airbus Helicopters, H225M có khả năng đảm nhận nhiều vai trò khác nhau bao gồm tìm kiếm và cứu nạn chiến đấu, vận chuyển binh sĩ chiến thuật tầm xa, vận tải khí tài-thiết bị, hỗ trợ hậu cần và an ninh hàng hải.

Trực thăng H225M có khả năng tìm kiếm và cứu nạn cả ngày lẫn đêm bằng radar hồng ngoại nhìn trước (forward-looking infrared - FLIR), cho phép EC725 bay theo chương trình khí tượng hoặc sử dụng thiết bị trực quan. Đến năm 2015, H225M đã được sản xuất trên hai dây chuyền riêng biệt tại Pháp và Brazil. Tháng 7/2015, Airbus Helicopters thông báo đang xem xét thiết lập một dây chuyền lắp ráp thứ ba ở Ấn Độ nếu công ty thành công trong việc giành được hợp đồng trong một cuộc đấu thầu trực thăng của Hải quân Ấn Độ. Hiện 104 chiếc H225M đang được 10 nước sử dụng hoặc đặt hàng, gồm Brazil, Pháp, Indonesia, Hungary, Kazakhstan, Malaysia, Mexico, Thái Lan, Singapore và Kuwait, để hỗ trợ các nhiệm vụ khắt khe nhất của họ; số đang vận hành đã tích lũy được hơn 143.000 giờ bay. Chưa đầy sáu tuần sau khi chính thức đi vào hoạt động, ba chiếc H225M của Không quân Pháp đã được điều động đến Síp để sơ tán dân thường khỏi Lebanon trong sự kiện Opération Baliste vào mùa hè năm 2006.

Lực lượng Không quân Singapore (RSAF) vừa nhận chiếc trực thăng hạng trung H225M đầu tiên của mình do hãng máy bay Airbus của châu Âu sản xuất theo hợp đồng từ năm 2016 nhằm thay thế trực thăng AS332M Super Pumas được đưa vào trang bị từ năm 1983. Việc giao chiếc trực thăng đầu tiên ban đầu được lên kế hoạch vào cuối năm 2020 nhưng đã bị trì hoãn do hậu quả của đại dịch Covid-19. Những chiếc H225M của Singapore cũng được trang bị tháp điện quang gắn ở mũi có khả năng truyền video chuyển động đầy đủ trong điều kiện ánh sáng yếu, cùng với một bộ các thiết bị phòng thủ do Elbit Systems sản xuất. Cũng theo Defense News, ít nhất một số máy bay tiếp theo của Singapore sẽ được trang bị ăng-ten vòm ở lưng được cho là nơi gắn thiết bị liên lạc vệ tinh. RSAF cho biết H225M có khả năng bay xa hơn khoảng 20% ​​so với AS332M Super Pumas, và RSAF sẽ bắt đầu thực hiện các bài bay thử nghiệm và huấn luyện trên chiếc H225M mới trước khi đưa vào hoạt động. Hợp đồng H225M năm 2016 là một phần của chương trình hiện đại hóa Hải quân, để đáp ứng các yêu cầu nâng cấp của Lực lượng vũ trang Singapore đối với một loạt các hoạt động, Bộ Quốc phòng Singapore cho biết. RSAF cũng đã đặt hàng một số lượng không được tiết lộ máy bay trực thăng Boeing CH-47F Chinook (mà theo thông tin của flightglobal.com là 10 chiếc) để thay thế dần 16 chiếc CH-47SD Chinook cũ, được đưa vào sử dụng từ năm 1994, cũng đã bị trì hoãn do đại dịch Covid-19 và hiện dự kiến ​​sẽ bắt đầu vào năm 2021.

Nguồn:
https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/vu-khi/kham-pha-truc-thang-h225m-singapore-moi-tau-tu-chau-au-847190.vov
https://kienthuc.net.vn/quan-su/phat-them-dan-truc-thang-khung-singapore-moi-mua-779602.html#p-3
https://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/luc-luong-vu-trang/khong-quan-singapore-am-tham-khang-dinh-ngoi-dau-3323424/?paged=2