F-14 UMS Sin Phyu Shin

 01-09-2021 17:31

Khinh hạm tàng hình lớp Aung Zeya


Nguồn: soha
Nguồn: soha

Trong năm 2014, hải quân Myanmar đã chính thức biên chế hoạt động 2 chiếc khinh hạm tàng hình lớp Aung Zeya mang số hiệu F-12 UMS Kyansitthar và UMS Sin Phyu Shin, số hiệu F-14. Cả hai chiếc khinh hạm này đều được đóng tại nhà máy đóng tàu hải quân Thilawa, với sự hỗ trợ tích cực về kỹ thuật và công nghệ từ phía Trung Quốc. Khinh hạm F-14 sử dụng vỏ tàu và động cơ đẩy, cũng như kế thừa công nghệ tàng hình của khinh hạm F-12. Trong khi F-12 sử dụng các hệ thống vũ khí của cả Nga và Trung Quốc thì khinh hạm F-14 chủ yếu sử dụng các hệ thống vũ khí Trung Quốc, ngoại trừ một số hệ thống cảm biến. Có thể nói F-14 là một trong những khinh hạm hàng đầu Đông Nam Á thời bấy giờ.

Khinh hạm F 14 sử dụng radar tìm kiếm mục tiêu trên không RAWL-02 do Ấn Độ sản xuất theo giấy phép từ radar LW-08 của Pháp gắn ở cột buồm phía sau. Cột buồm phía trước lắp radar tìm kiếm mục tiêu Type 362 cho tên lửa chống hạm do Trung Quốc sản xuất. Ngoài ra, F 14 còn có 2 radar điều khiển hỏa lực Type-47 của Trung Quốc lắp dưới chân cột buồm. Tàu sử dụng hệ thống định vị thủy âm HMS-X do Ấn Độ chế tạo để tìm kiếm và phát hiện tàu ngầm đối phương. Đuôi tàu có sàn đáp và nhà chứa cho trực thăng Ka-27 của Nga hoặc Z-9C của Trung Quốc. F 14 được vũ trang một pháo hạm Oto Melara 76 mm với thiết kế có khả năng giảm mặt cắt radar. Pháo có tốc độ bắn 85 viên/phút, tầm bắn tối đa 20 km. 3 hệ thống phòng thủ tầm cực gần NG-18 do Trung Quốc sản xuất. 6 giá phóng tên lửa phòng không vác vai và 2 súng máy bên mạn tàu có nguồn gốc từ Triều Tiên.

Vũ khí mạnh nhất của khinh hạm F 14 là 8 tên lửa chống hạm C-802 do Trung Quốc sản xuất. Theo Global Security, tên lửa C-802 có tầm bắn khoảng 280 km mang theo đầu đạn nặng 165 kg. Ngoài ra, tàu còn được trang bị 2 cụm phóng ngư lôi chống ngầm hạng nhẹ Yu-7 của Trung Quốc. Hệ thống động lực của tàu dựa trên 2 động cơ diesel PA6 STC 16 xy lanh công suất 7.600 mã lực/chiếc do công ty động cơ Thiểm Tây, Trung Quốc chế tạo theo công nghệ của Đức. Có thể nói hải quân Myanmar đang nỗ lực khẳng định vị trí dẫn đầu Đông Nam Á bằng các chương trình tàu chiến của mình.

Nguồn:
https://tienphong.vn/tiet-lo-ve-suc-manh-cua-khinh-ham-tang-hinh-myanmar-post839123.tpo
https://anninhthudo.vn/kham-pha-khinh-ham-hang-dau-dong-nam-a-cua-myanmar-post199067.antd
https://soha.vn/bat-ngo-truoc-suc-manh-dang-gom-cua-quan-doi-myanmar-diem-mat-nhung-vu-khi-hien-dai-nhat-20210304114519767.htm