Cầu tàu 320 triệu USD 'yểu mệnh' của Mỹ ở Gaza

 01-06-2024 10:10

Hàng loạt vấn đề khiến cầu tàu 320 triệu USD của Mỹ tốn nhiều thời gian xây dựng, nhưng phải ngừng hoạt động chỉ sau một tuần triển khai


Phó thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh ngày 28/5 thông báo cầu tàu trị giá 320 triệu USD, mới được đưa vào hoạt động hơn một tuần, đã bị thổi tung một phần vì biển động mạnh và hiệu ứng biến động thời tiết từ Bắc Phi. Viện trợ của Mỹ vào Dải Gaza sẽ bị ngừng cho đến khi hoàn tất quá trình sửa chữa công trình này.

Đây là bước lùi mới nhất trong dự án của quân đội Mỹ, vốn đã hứng chịu nhiều chỉ trích vì chi phí triển khai cao và không đáp ứng được kế hoạch đề ra.

Dự án khởi đầu với thông báo của Tổng thống Mỹ Joe Biden khi đọc Thông điệp Liên bang ngày 7/3, trong đó ông cho biết đã "chỉ đạo quân đội Mỹ tiến hành nhiệm vụ khẩn cấp để thiết lập cầu tàu tạm thời ngoài khơi Gaza", với khả năng vận chuyển lượng lớn lương thực, nước uống, thuốc men và lều trại.

Ông chủ Nhà Trắng tuyên bố cầu tàu sẽ giúp tăng lượng hàng cứu trợ vào Dải Gaza, nhấn mạnh rằng Israel "phải làm phần việc của mình" và cho phép nhiều chuyến hàng vào khu vực hơn.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Pat Ryder ngày 8/3 nói với các phóng viên rằng cần tối đa 60 ngày để triển khai lực lượng và xây dựng cầu tàu.

4 tàu hàng của lục quân Mỹ, mang theo hàng tấn thiết bị và các đoạn cầu bằng thép, rời căn cứ ở bang Virginia ngày 12/3 và bắt đầu hành trình dự kiến kéo dài một tháng tới Dải Gaza. Nhưng nhóm tàu gặp biển động mạnh và thời tiết xấu khi băng qua Đại Tây Dương, khiến họ bị chậm tiến độ.

Tối 1/4, quân đội Israel không kích đoàn xe chở nhân viên nhóm cứu trợ Bếp ăn Trung tâm Thế giới (WCK) đang chạy dọc theo con đường ven biển của Dải Gaza, dù các ôtô đều đánh dấu rõ ràng và được Tel Aviv cấp phép trước đó. Vụ tấn công gây ra nhiều lo ngại về an toàn của các nhân viên cứu trợ, khiến nhiều tổ chức quốc tế ngừng hỗ trợ nhân đạo cho Dải Gaza.

Gần ba tuần sau đó, các quan chức Mỹ xác nhận Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên Hợp Quốc đã đồng ý chuyển hàng cứu trợ vào Dải Gaza qua cầu tàu sau khi công trình này hoàn tất.

Ảnh vệ tinh ngày 30/4 cho thấy tàu hải quân USNS Roy P. Benavidez và các tàu lục quân Mỹ đang lắp đặt cầu tàu ở khu vực cách bờ biển 11 km. Tàu hàng Sagamore chở 475 kiện thực phẩm rời Cyprus ngày 9/5, bắt đầu hành trình 320 km để chuyển hàng đến bến nổi ngoài khơi Dải Gaza. Mỹ cũng phải thiết lập trạm an ninh ở Cyprus để rà soát hàng hóa cứu trợ được gửi đến từ nhiều quốc gia.

Cách hoạt động của cầu tàu viện trợ Dải Gaza do Mỹ xây dựng. Đồ họa: BBC
Cách hoạt động của cầu tàu viện trợ Dải Gaza do Mỹ xây dựng. Đồ họa: BBC

Ngày 16/5, quá trình xây cầu tàu hoàn tất, chậm tiến độ hơn nhiều so với mức 60 ngày được Lầu Năm Góc dự tính. Những chuyến xe tải chở hàng cứu trợ đầu tiên di chuyển vào Dải Gaza sau đó một ngày. Tuy nhiên, đoàn xe ngày 18/5 bị chặn, hàng hóa trên 11 xe bị cướp và chỉ 5 chiếc tới được kho của WFP.

Các lô hàng cứu trợ đầu tiên được chuyển qua cầu tàu, gồm số lượng ít bánh quy giàu dinh dưỡng, được phân phát cho người Palestine ở miền trung Gaza ngày 19-20/5.

Ngày 23/5, ba quân nhân thuộc biên chế tàu hải quân USNS Roy P. Benavidez gặp sự cố "không liên quan tới chiến đấu" trên cầu tàu. Hai binh sĩ bị thương nhẹ được điều trị tại chỗ, nhưng một người chịu thương tích nghiêm trọng và phải nhập viện.

Bộ tư lệnh Trung tâm (CENTCOM) của Mỹ hôm 25/5 thông báo 4 tàu đổ bộ cơ giới và sà lan hỗ trợ ổn định cầu tàu đứt dây neo, trôi dạt và mắc cạn trên bờ biển Israel vì sóng lớn. Hải quân Israel sau đó phải hỗ trợ đưa các tàu rời khỏi vị trí mắc cạn.

Ngày 28/5, cây cầu phải ngừng hoạt động vì mất một phần. Các quan chức Mỹ cho biết các bộ phận của cầu tàu đang được sửa chữa tại một cảng ở miền nam Israel, sau đó sẽ được lắp đặt lại và công trình dự kiến nối lại hoạt động vào tuần tới. "Chúng tôi sẽ tiếp tục vận hành cầu tàu tạm thời này lâu nhất có thể", Singh nói.

Lầu Năm Góc ban đầu ước tính cầu tàu có thể vận chuyển 150 xe tải chở hàng cứu trợ mỗi ngày khi hoạt động hết công suất, nhưng chưa từng đạt con số này trong suốt 10 ngày vận hành. Theo CENTCOM, cầu tàu đã hỗ trợ tiếp nhận 1.005 tấn hàng hóa cho Dải Gaza, trong đó khoảng 900 tấn được phân phát đến nhà kho của Liên Hợp Quốc tại khu vực.

Các nhóm cứu trợ quốc tế thể hiện phản ứng lẫn lộn với cầu tàu Mỹ. Họ ủng hộ nỗ lực viện trợ người dân Palestine đang hứng chịu tình cảnh khốn khổ sau gần 8 tháng xung đột Israel - Hamas, nhưng cũng chỉ trích đây là biện pháp đánh lạc hướng và giúp giảm bớt sức ép buộc Israel mở thêm cửa khẩu để tăng nguồn viện trợ vào Dải Gaza.

"Đây chỉ là màn trình diễn bên lề", Bob Kitchen, quan chức hàng đầu của Ủy ban Cứu trợ Quốc tế, nhận xét.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden từng khẳng định cầu tàu không phải giải pháp toàn diện cho tình hình nhân đạo ở Dải Gaza, mà chỉ là phương án mang tính tình thế.

Xe tải chở hàng cứu trợ đi qua cầu tàu Gaza hôm 17/5. Ảnh: US Army
Xe tải chở hàng cứu trợ đi qua cầu tàu Gaza hôm 17/5. Ảnh: US Army

Trước khi xung đột bùng phát hồi tháng 10/2023, mỗi ngày Dải Gaza có thể tiếp nhận trung bình 500 xe tải cứu trợ. Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) ước tính cần duy trì 600 xe tải vào Dải Gaza mỗi ngày để giảm bớt gánh nặng lương thực, ngăn những cộng đồng ở đây rơi vào nạn đói.

Lượng hàng cứu trợ được chuyển qua cầu tàu Gaza có thể bảo đảm lương thực cho hàng nghìn người trong một tháng, nhưng dữ liệu của Liên Hợp Quốc cho thấy con số này không là gì so với nhu cầu của khoảng 2,3 triệu người dân Palestine ở Dải Gaza hiện nay.

"Không ai nói rằng đây sẽ là thuốc chữa bách bệnh, có khả năng xử lý toàn bộ các vấn đề hỗ trợ nhân đạo còn tồn tại ở Dải Gaza. Tôi nghĩ rằng mọi người đều kỳ vọng quân đội Mỹ có thể lập tức giải quyết mọi thứ trong nháy mắt. Chúng tôi biết đây là hoạt động rất khó khăn và thực tế đã chứng minh điều đó", phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nói hôm 29/5.


Theo Vnexpress